Ngành sản xuất được mô tả là một yếu tố then chốt trong xã hội khi hầu hết mọi thứ chúng ta sử dụng hàng ngày từ ô tô đến máy tính, máy pha cà phê đến đồ chơi trẻ em.., đều từ ngành sản xuất mà ra. Ngành sản xuất đã phát triển qua nhiều thế kỷ, từ các phương pháp chủ yếu sử dụng sức lao động con người, đến các dây chuyền lắp ráp bán tự động và ngày nay là sự xuất hiện phổ biến của các nhà máy tự động hóa cao. Trong tương lai ngành sẽ sản xuất sẽ được chuyển đổi khi có sự kết hợp với các lĩnh vực khác để tạo nên khái niệm “Công nghiệp 4.0”. Bài viết sẽ giới thiệu những xu hướng lớn nhất đang góp phần tạo nên Công nghiệp 4.0.
Xu hướng 1: Internet vạn vật công nghiệp (IoT)
Chúng ta đã nghe rất nhiều về Internet of Things (IoT) và hiện tại chúng ta lại có thêm khái niệm Internet vạn vật công nghiệp (IIoT). IIoT là nơi các thiết bị kết nối với nhau được sử dụng trong sản xuất và các cơ sở công nghiệp để thu thập dữ liệu – dữ liệu sau đó có thể được sử dụng để nâng cao quy trình sản xuất.
Cảm biến là một ví dụ điển hình của các thiết bị IIoT được kết nối với nhau. Dữ liệu thu thập từ các cảm biến trên máy móc của nhà máy có thể giúp các nhà sản xuất nắm chắc việc vận hành của máy mó, tối ưu hóa quy trình bảo trì, giảm thời gian ngừng hoạt động của máy và thậm chí dự đoán khi nào sự cố sẽ xảy ra.
Xu hướng 2: 5G & xử lý tại biên
Thế hệ thứ năm của công nghệ mạng dữ liệu di động (5G) sẽ cho phép các nhà sản xuất dễ dàng kết nối công nghệ IioT, tận dụng việc thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu tại các thiết bị và cảm biến thông minh (xử lý tại biên). Các nhà sản xuất có thể tạo một mạng 5G riêng tại cơ sở của họ, điều này sẽ mang lại tốc độ dữ liệu siêu nhanh mà không cần dây cáp và khả năng bảo mật dữ liệu được cải thiện nhiều.
Xu hướng 3: Bảo trì bằng dự đoán
Trong ngành sản xuất, bảo trì bằng dự đoán đề cập đến việc sử dụng dữ liệu cảm biến và trí thông minh nhân tạo (AI) để phát hiện các dạng lỗi trong máy móc và linh kiện. Ý tưởng là bằng cách dự đoán được khi nào một máy hoặc một bộ phận có khả năng bị hỏng, các nhà sản xuất có thể thực hiện các hành động phòng ngừa và bảo trì thiết bị của họ hiệu quả hơn. Điều này không phải chỉ được áp dụng cho các thiết bị mới hiện đại. Siemens đã sử dụng các cảm biến như vậy trên các động cơ và hộp số cũ hơn – và bằng cách phân tích dữ liệu từ các cảm biến này, Siemens cho biết họ có thể giải thích tình trạng của máy, phát hiện các bất thường và sửa chữa máy trước khi chúng bị hỏng. Điều này cho thấy các quy trình bảo trì dự đoán có thể được áp dụng như thế nào ngay cả đối với máy móc cũ.
Xu hướng 4: Bản sao kỹ thuật số
Bản sao kỹ thuật số có thể được sử dụng để mô phỏng bất kỳ quá trình hoặc đối tượng vật lý nào. Ví dụ: trong môi trường sản xuất, một bản sao kỹ thuật số có thể được sử dụng để mô phỏng kích thước của sản phẩm mới hoặc tạo bản sao kỹ thuật số của thiết bị trong nhà máy để xem cách máy móc hoạt động trong những điều kiện nhất định. Công nghệ bản sao kỹ thuật số thậm chí có thể được sử dụng mô phỏng toàn bộ chuỗi cung ứng. Đến năm 2022, có tới 70% các nhà sản xuất có thể đang sử dụng các bản sao kỹ thuật số để tiến hành mô phỏng và đánh giá.
Sử dụng bản sao kỹ thuật số, Boeing đã có thể đạt được tỷ lệ cải thiện 40% về chất lượng các bộ phận lần đầu tiên. Vào năm 2018, Giám đốc điều hành của Boeing khi đó là Dennis Muilenburg cho biết bản sao kỹ thuật số sẽ là động lực lớn nhất trong việc cải thiện hiệu quả sản xuất trong thập kỷ tới.
Xu hướng 5: Thực tế mở rộng và metaverse
Các công nghệ thực tế mở rộng như thực tế ảo và tăng cường sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, từ thiết kế sản phẩm nâng cao, lập kế hoạch sản xuất tốt hơn, nâng cao khả năng của con người trên dây chuyền lắp ráp và đào tạo nhập vai hơn. Khi ngày càng nhiều thế giới mở rộng vào metaverse, nhiều cơ hội hơn sẽ xuất hiện cho các nhà sản xuất.
Xu hướng 6: Tự động hóa và khái niệm “dark factory”
Nhờ có AI, máy móc hiện nay có khả năng thực hiện ngày càng nhiều nhiệm vụ mà trước đây chỉ con người mới làm được. Tự động hóa có thể mang lại nhiều lợi thế cho các nhà sản xuất, bao gồm nâng cao năng suất, độ chính xác và giảm chi phí. Thậm chí khái niệm “dark factory” xuất hiện ngày càng nhiều dùng để chỉ các nhà máy hoàn toàn tự động nơi sản xuất diễn ra mà không có sự can thiệp trực tiếp của con người.
Xu hướng 7: Robot và cobots
Một trong những yếu tố thúc đẩy tự động hóa chính là việc sử dụng rô bốt. Nhưng điều đáng chú ý là không phải tất cả rô bốt đều có mặt để thay thế nhân công của con người – nhiều rô bốt ở đó để nâng cao công việc của con người. Ví dụ: chúng ta hiện đã chế tạo ra các thiết bị exoskeletons là thiết bị đặc biệt được chế tạo có chức năng bổ trợ sức mạnh và khả năng cho con người nhờ bộ giáp ngoài đeo lên mình. Chúng ta cũng thấy sự xuất hiện các robot thông minh, có thể hợp tác – gọi là “cobots” – được thiết kế đặc biệt để làm việc cùng với con người.
Xu hướng 8: In 3D
In 3D với ưu thế tiết kiệm, hiệu quả và khả năng mở rộng sẽ giúp các nhà sản xuất sử dụng ít vật liệu hơn và tạo ra ít chất thải hơn so với các phương pháp sản xuất truyền thống. In 3D trong tương lai cũng sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên cá nhân hóa mới vì các sản phẩm được cá nhân hóa riêng lẻ có thể được tạo ra mà không cần lo lắng về tính kinh tế theo quy mô. Ngoài ra, in 3D có thể giúp thúc đẩy sự đổi mới bằng cách cho phép tạo mẫu nhanh. Một điển hình là Airbus, khi hãng này đã sử dụng công nghệ in 3D trong hơn 15 năm, trở thành thành công ty tiên phong về in 3D trong ngành sản xuất. Công ty sử dụng rộng rãi in 3D để sản xuất theo yêu cầu bản địa hóa các dụng cụ
Xu hướng 9: Web3 và công nghệ blockchain
Với sự xuất hiện của Web3 và công nghệ điện toán phân tán như chuỗi khối và NFT (mã thông báo không thể thay thế), sẽ có cơ hội cho các nhà sản xuất giám sát chuỗi cung ứng của họ tốt hơn và thậm chí tự động hóa nhiều giao dịch dọc theo chuỗi cung ứng của họ. Nhiều sản phẩm sản xuất trong tương lai sẽ được bán với chứng chỉ kỹ thuật số NFT.
Xu hướng 10: Sản phẩm thông minh và bền vững hơn
Sự xuất hiện của các thiết bị IoT được kết nối thông minh không chỉ thay đổi cách sản xuất sản phẩm mà còn là loại sản phẩm được sản xuất. Ngày nay, ta có thể thấy những phiên bản “thông minh” của mọi thứ, từ máy hút bụi đến nhà vệ sinh và xu hướng sử dụng các sản phẩm thông minh không có dấu hiệu chậm lại. Do đó, các nhà sản xuất sẽ ngày càng phải khám phá nhiều cách để mang đến cho khách hàng những sản phẩm thông minh mà họ mong đợi. Ngoài ra khách hàng sẽ ngày càng có xu hướng hướng tới các sản phẩm bền vững, có thể tái sử dụng và tái chế. Văn hóa vứt bỏ trong quá khứ đang được kỳ vọng là sẽ sắp kết thúc, và đây là một yếu tố khác mà các nhà sản xuất sẽ phải tính đến.